Đi làm thuê hãy nên chọn Sếp - Bí kiếp việc làm - Thị Trường Địa Ốc Hôm Nay

ĐI LÀM THUÊ HÃY BIẾT CHỌN SẾP

Nhân viên bình thường chọn công ty, nhân viên vĩ đại chọn Sếp. (Bài viết chỉ 2500 Từ, nhưng sẽ cho bạn rất nhiều bài học dù là nhân viên hay là sếp)
Có rất nhiều bài viết sách báo dạy người ta cách làm lãnh đạo như thế nào, làm ông chủ ra sao, nhưng rất ít sách nói về cách làm nhân viên như thế nào để vẫn đạt được những vinh quang trong cuộc sống và sự nghiệp. Thực trạng diễn ra là Sếp thì than không có nhân viên giỏi, không có người trung thành. Mình sẵn sàng đào tạo cho người ta đầy đủ, nhưng khi người ta đủ lông đủ cánh rồi thì họ đi tìm cơ hội khác, hoặc nhảy ra làm một công ty y chang để trở thành đối thủ cạnh tranh với mình, rồi cả hai lại luẩn quẩn trong cái vòng bế tắc không thèm nhìn mặt nhau.
Còn với nhân viên thì sao? Họ nhảy hết công ty này, bay sang công việc nọ hòng có thêm chút thù lao, thu nhập, phúc lợi… Nhiều khi cũng muốn tìm một công ty ngon, minh chủ tốt để phụng sự cho nó yên ấm cái thân. Thế nhưng rồi cũng quanh quẩn với cơm gạo áo tiền nhảy việc cũng đã mệt rồi mà vẫn chưa thấy mình chủ đâu. Nhìn lại thấy tương lại cũng tăm tối y như cuộc đời của chị Dậu. Nhưng bảo hãy bứt phá, dám lật thuyền để học bơi, nghỉ việc để khởi nghiệp thì lại không dám mạo hiểm.
Làm sếp như thế nào cho tốt thì có nhiều người nói rồi. Nhưng làm một nhân viên Vĩ Đại như thế nào thì tôi thấy ít người nói. Bài viết này dành cho các bạn không có cái “nghiệp làm sếp” thì cũng đừng nản chí, vẫn còn rất nhiều con đường khác dẫn đến vinh quang để bạn lựa chọn. Làm sếp khó chứ, phải đâu chuyện đùa.
Còn đối với các Sếp thì bài viết này cũng giúp bạn tỉnh ngộ ra đôi điều. Làm sao để hiểu những nhân viên của mình mong cầu điều gì, rồi cố gắng uốn nắn mình thêm. Lỡ mang cái “Nghiệp làm sếp rồi” thì cũng cố phấn đấu để những con người nhân viên vĩ đại họ còn tìm đến đầu quân để xây dựng nghiệp lớn.
————-
Nếu như bạn đã bị số phận định cho cái “nghiệp đi làm thuê” thì hãy đi làm thuê một cách khôn khéo, có tầm nhìn và chiến lược.

TẦM NHÌN, CHIẾN LƯỢC CỦA NHÂN VIÊN LÀ GÌ?

Đó là cách nhìn người, cụ thể là nhìn sếp (minh chủ).
“Đi xin việc” mà chỉ nhăm nhăm vào mấy cái: Công ty có to không? Vị trí có trung tâm không? Gần hơn là: lương em bao nhiêu, có hỗ trợ xăng xe, ăn trưa không…? Mà quên mất xem sếp mình là ai, người đó có thể đi được dài không, có làm cho mình phát triển, có tạo cho mình cơ hội để làm giàu…?
Kết quả không chóng thì chày, nhanh thì dăm bữa nửa tháng, ngon ngon thì một vài năm, bòn mót được ít mẹo vặt gắn cái mác kinh nghiệm là ta tìm đường nhảy việc. Vì tầm nhìn chỉ luẩn quẩn quanh cái lợi ích của bản thân. Nhân viên đi làm đúng là cần tiền để trang trải cuộc sống, nhưng điều đó không làm cho bạn giàu có, người giàu người ta thường tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội để bứt phá chứ không phải nhờ vào lương. Cả cuộc đời bạn đi làm nhận mức lương trung bình tầm 20 triệu 1 tháng, 1 năm để ra được 200 triệu, mười năm thì bạn để ra được 2 tỷ. Bao giờ thì bạn mua được nhà, mua được xe, đi du lịch, cho con học trường xịn và chăm sóc cho người thân? Nếu bạn không có nghiệp làm chủ, thì hãy làm nhân viên cho thật tốt nhưng nhân viên tốt phải biết chọn sếp tốt mà phò trợ, kẻo uổng phí một đời vì chọn sai minh chủ.

VẬY CHỌN SẾP NHƯ THẾ NÀO?

Hãy dùng hết tất cả những tài năng và đức độ, trình độ học vấn, lá số tử vi, phong thủy, tâm linh, khoa học công nghệ… bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩa ra được để SOI những phẩm chất sau xem sếp bạn có hay không.

1. Giá trị sống của sếp
Trước tiên giá trị sống cốt lõi của sếp, nếu bạn không tìm thấy sự tương đồng về giá trị cốt lõi, tốt nhất không nên theo. Ví dụ bạn là người trung thực, đề cao tối thượng sự tử tế, trung thực, nhưng sếp bạn coi thường điều đó. Sống lươn lẹo, lừa dối đối tác, khách hàng để trục lợi… Thì hãy dừng lại. Tuy nhiên có thể giá trị cốt lõi đôi lúc không khớp nhau, nhưng miễn là không đối nghịch nhau là được.
2. Cái TÂM của sếp:
Cái TÂM thứ nhất của sếp là sự cống hiến của cái doanh nghiệp mà sếp đang làm có mang lại giá trị gì cho xã hội hay không, hay chỉ chụp giựt, gian lận, gây hại cho môi trường, cho người khác để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Vì một cái doanh nghiệp kiểu vậy sẽ khó tồn tại lâu dài chứ đừng nói đến việc bay cao bay xa được. Tương lai của bạn gắn với nó rồi cũng vậy thôi.
Cái TÂM thứ 2 của sếp là có biết chia sẻ thành quả với các cộng sự không? Là khi mình cống hiến cho người ta nhiều nhưng người ta kiếm được thì mình có phần trong đó hay không hay là sếp “ăn hết”. Hãy nhìn xung quanh họ từ bạn bè, những cộng sự cũ đi theo họ có tốt lên, có khá khẩm hơn so với những nơi khác hay không, hoặc đôi khi sếp đang nghèo, nhưng trong cái nghèo đó họ có chia sẻ phần lớn những gì họ kiếm được cho mọi người hay không hay họ sẽ luôn nhận phần hơn về mình?
3. Cái TẦM – TÀI của sếpSếp có TẦM nghĩ đủ lớn không, cái công ty của sếp hiện tại nó có định hướng phát triển và mở rộng hay không để mình nhìn thấy khi công ty mở rộng mình có cơ hội để thăng tiến, để nắm bắt thêm cơ hội làm giàu cho bản thân ngoài kiếm lương hàng tháng. “Tầm và tài”, thiên hạ xưa nay hay nhắc đến chữ “lãnh đạo tầm-tài”, quả thực rất quan trọng nhưng nó cũng chính là cái khó lòng mà phát hiện ra được, vậy dấu hiệu nào để bạn nhìn ra đâu là một người lãnh đạo có Tầm và Tài?. – Thứ nhất: Bạn xem và nghe câu chuyện về lịch sử đã trải qua và những ước mơ, khát vọng của người đó trong tương lai, nếu như từ một con người tay trắng gây dựng nên được một cơ đồ nhỏ nhỏ, vượt qua rất nhiều chông gai những vẫn luôn có hoài bão tiến lên phía trước, vững bền ý chí, kiên định với các mục tiêu, điều đó cho thấy người này có ý chí, có gia tốc để vươn lên trong sự nghiệp, cái người ta thiếu là do xuất phát điểm thấp và thời gian chưa đủ.
Còn nếu bạn muốn gắn mình với các ông sếp đi siêu xe, doanh nghiệp to đùng.. xin nói ở đó họ đã có hàng tá nhân viên xuất sắc rồi, bạn có đủ năng lực và bản lĩnh để cạnh tranh hay không?
– Thứ 2: Một lãnh đạo có ý chí, có TẦM nhưng thiếu yếu tố thứ 2 sau đây cũng sẽ không trọn vẹn, đó là các hành động của người ta hàng ngày, người ta làm việc có đến nơi đến chốn hay không, có chịu khó học hỏi, phát triển bản thân, có chịu tìm hiểu, suy ngẫm, có lắng nghe và luôn muốn cải tiến mọi thứ hàng ngày để xây dựng nền tảng cho lâu dài hay không, hay chỉ có những ảo tưởng cao xa mà không hành động nhỏ mỗi ngày để hiện thực hóa các mộng tưởng đó. – Thứ 3: Đó là một lãnh đạo có tầm nhìn nhưng cũng phải có chiến lược, có định hướng các bước, các giai đoạn để đạt được tầm nhìn đó như thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau, phân bổ nguồn lực và thời gian cho mỗi giai đoạn như thế nào? Tuy nhiên giả sử như họ không biết thì bạn có thể giúp như cách Khổng Minh đã từng giúp cho Lưu Bị. – Thứ 4: Khả năng tương tác và làm việc với những người tài, với nhân sự tài năng. Người sếp này có biết cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia khác hay không? Hay cái tôi to như mả bố thằng ăn mày, cho mình là nhất, ai nói gì cũng bỏ ngoài tai, độc quyền độc đoán. – Thứ 5: Vị Sếp này có các kế hoạch, chương trình để đào tạo, phát triển một đội ngũ kế thừa cho mình hay không, Có ủy quyền các công việc, tín nhiệm và giao phó các dự án cho các cộng sự hay không?…
4. Cá tính đặc biệt của sếp
Các lãnh đạo của các doanh nghiệp vĩ đại họ thường có cá tính rất khác biệt với lãnh đạo bình thường, đôi khi bạn đem cái sự vĩ đại đó ra để so sánh với những thứ bình thường và bảo sếp bạn bị điên, bị dở hơi.. Sếp bạn không suy nghĩ giống bạn… Nhưng bạn phải hiểu rằng, nếu sếp bạn mà có suy nghĩ giống y chang bạn thì họ cũng chỉ ngang tầm của bạn mà thôi, và ở cái tầm đấy thì họ chỉ làm được những cái gì mà có thể ngay cả bạn cũng có thể làm được. Bạn muốn công ty bạn đang làm phát triển vượt bậc, nhưng bạn lại không dám chấp nhận sự khác biệt của sếp bạn so với các sếp khác. Nếu sếp bạn cũng giống như sếp của các công ty bình thường khác thì làm sao có thể tạo ra một doanh nghiệp thực sự khác biệt để cạnh tranh.
————————-

CƯ XỬ VỚI SẾP THẾ NÀO? DẠY SẾP TRỞ THÀNH SẾP TỐT RA SAO?

Kinh doanh bao giờ cũng vậy, cho dù công ty lớn hay bé không có công ty nào là không có vấn đề, To lớn như ENRON, SEARS, NOKIA, WORLDCOM, LEHMAN BROTHERS… còn phá sản được nữa là các công ty nhỏ,
Sếp cũng là con người, họ cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực và khó khăn. Họ có hàng nghìn việc phải lo, đôi khi họ lỡ quên ngày sinh nhật của bạn, quên hỏi thăm khi bạn ốm đau…, Bạn cũng nên thông cảm, bạn hãy có một cái nhìn tổng quát lựa chọn những cái quan trọng nhất của sếp mà đánh giá, chứ đừng quá tiểu tiết. Một người sếp mà ăn rồi chỉ biết nghĩ đến vấn đề tiểu tiết nhỏ nhặt hàng ngày thì liệu họ có đủ Tầm để cho bạn theo hay không…?
Hãy biết chia sẻ với sếp lúc khó khăn, bạn không từng chia đắng sẻ cay với sếp, thì đâu có ngày cùng hưởng vinh hoa phú quý, chia ngọt sẻ bùi: cái gì cũng có giá, chỉ có cái “giá mà” là không có giá mà thôi!
Cái cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh lại vì đây là yếu tố tiên quyết, dù có thiếu gì thì thiếu, nhưng không thể thiếu cái này, nói nôm nói na là cái “tín nghĩa”, người coi trọng chữ tín và sống có nghĩa có tình, sẽ không bỏ rơi bạn trong những hoàn cảnh khó khăn, người bạn có thể đồng hành đến suốt đời, đồng cam cộng khổ, nếm mật nằm gai, chia ngọt sẻ bùi.
Nếu giả sử bạn đã SOI ra được nhiều điểm tốt của sếp. Là người mà bạn nghĩ nếu có thêm sức của bạn phò trợ, họ sẽ đạt được nhiều thành tựu trong tương lai, mặc dù hiện tại họ đang rất nhỏ bé. Hãy học theo cách của Trương Lương, Tiêu Hà, Khổng Minh, (có thể gg nếu bạn không biết)… Họ không tìm minh chủ, mà họ tự tạo ra các minh chủ.

CHÚC BẠN SỚM TÌM ĐƯỢC MINH CHỦ

Tìm được người này, gắng mà tận trung, tận sức đóng góp cho công ty phát triển, chắc chắn bạn sẽ trở thành nhân viên vĩ đại, trở thành công thần. Nếu có duyên nghiệp làm nhân viên vĩ đại, thì hãy yên ổn mà làm, làm sếp chẳng sung sướng gì đâu, trong khi một nhân viên vĩ đại vẫn đạt được tất cả những thứ mà sếp mơ ước. Nói thì tưởng đùa, nhưng đó là sự thực:
Người đời hay nhắc đến tài năng và trí tuệ của Chu Du, chứ không phải ai cũng biết sếp của Chu Du là Tôn Quyền? Thiên hạ coi trọng và tôn vinh tài trí của Khổng Minh hơn cả sếp mình là Lưu Bị, đến Quan Vũ là nhân viên của Lưu Bị còn được xếp vào hàng thánh nhân.
Đấy là chuyện của Tàu, còn chuyện của ta cũng không thiếu những ví dụ nhãn tiền: người Việt mình ai chẳng biết đến Nguyễn Trãi, nhưng chưa chắc đã biết sếp của Nguyễn Trãi là vua nào? Người người bái lạy tôn thờ Thánh – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng chưa hẳn đã biết sếp của ngài là ai. Vậy há chẳng phải nhân viên vĩ đại hơn hẳn sếp? Làm sếp cũng là cái số phải làm, cái nghiệp phải trả, nó cũng chả hề sung sướng. Biết bao áp lực và trách nhiệm cần phải gánh trên vai.
Còn đối với các sếp, cũng nên nhìn lại để đưa ra tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp và không ngừng mà uốn nắn bản thân nếu mong muốn có được trung quân về phò tá cho mình để gây dựng cơ đồ. Khi có người rồi hãy có cơ chế và định hướng, tạo cơ hội để cho mọi người cùng nhau phát triển.
Viết vậy thôi, viết dài, viết dai, viết tóm lại bằng mấy câu cho dễ nhớ:
Chim khôn chọn cành mà đậu
Người khôn chọn bạn mà chơi
Nhân viên khôn chọn sếp mà phụng sự.

Tác giả: Nguyễn Hồng Quân (Quân IDMAX)

Nguồn: Sưu tầm Facebook

5/5 - (100 bình chọn)

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp chủ đầu tư theo: HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0938.02.6163 hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến các dự án của chúng tôi đầu tư, cũng như là dự án mà chúng tôi phát triển và phân phối!




    Bình luận

    Chúng tôi luôn chia sẻ những thông tin giúp ích cho cộng đồng bất động sản. Mọi thông tin chi tiết cần tư vấn về bất động sản vui lòng để lại thông tin vào bên dưới, chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ quý khách hàng cũng như quý đọc giả

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.